Ra huyết trắng sau chuyển phôi có thể là dấu hiệu quá trình chuyển phôi thành công hoặc không thành công. Sự khác biệt giữa hai trạng thái này chính là thời điểm xuất hiện huyết trắng cũng như các triệu chứng đi kèm. Cụ thể về cách phân biệt 2 trạng thái này ra sao, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về chuyển phôi trong IVF
IVF là từ viết tắt của In vitro fertilization có nghĩa là thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp đôi gặp vấn đề trong mang thai tự nhiên. Cụ thể là người vợ bị tắc ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, người chồng có vấn đề về chất lượng tinh trùng, vợ chồng lớn tuổi, bất thường về di truyền, đã thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng không thành công hay vô sinh không rõ nguyên nhân…

Trong đó, chuyển phôi là một trong những thủ thuật quan trọng, là bước cuối cùng trong quy trình IVF. Thủ thuật này nhằm đưa phôi thai sau khi đã nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vào trong tử cung của người mẹ và phát triển thành hợp tử, giúp mẹ bắt đầu hành trình mang thai như bình thường.
Quá trình chuyển phôi sẽ được thực hiện trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm trứng và tinh trùng thụ tinh thành công. Phôi thai này có thể được nuôi ngày 3, ngày 5. Tuy nhiên, hiện nay nhờ công nghệ trữ phôi đông lạnh mà quá trình này được thực hiện dễ dàng hơn do không mất nhiều thời gian nuôi cấy do phôi được trữ lạnh được tạo ra từ chu kỳ trước.
Có 2 cách chuyển phôi là dựa vào chu kỳ tự nhiên của cơ thể hoặc lên kế hoạch trước. Cụ thể như sau:
- Nếu thực hiện dựa vào chu kỳ rụng trứng tự nhiên của bệnh nhân thì quá trình chuyển phôi sẽ được thực hiện sau thời điểm rụng trứng từ 2 – 3 ngày, thường là ngày 18 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt. Với điều kiện niêm mạc tử cung đã đạt độ dày phù hợp 9 – 10mm và người mẹ có sức khỏe tốt.
- Đối với chuyển phôi đông lạnh được lên kế hoạch trước sẽ được chỉ định dùng estrogen để ức chế quá trình rụng trứng tự nhiên. Cách này giúp tăng độ dày cho lớp nội mạc tử cung để phôi thai làm tổ. Thời điểm thực hiện là sau khi bơm estrogen khoảng 2 tuần và progesterone 4 – 5 ngày.
Ra huyết trắng sau chuyển phôi là tín hiệu tốt hay xấu?
Một trong những vấn đề lớn nhất khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm chính là người mẹ không thể nhận biết được dấu hiệu hay gợi ý nào chắc chắn rằng phôi thai đã làm tổ thành công hay chưa. Vì vậy, trong quá trình chờ đợi nếu xảy ra bất kỳ dấu hiệu nào cũng đều khiến mẹ lo lắng, đặc biệt khi gặp hiện tượng ra huyết trắng sau chuyển phôi.
Trên thực tế, sau khi chuyển phôi ra huyết trắng được chia làm 2 trường hợp là chuyển phôi thành công hoặc chuyển phôi không thành công.
Dấu hiệu chuyển phôi thành công
Ra huyết trắng là dấu hiệu khá bình thường cho thấy phôi thai đã làm tổ thành công. Lúc này, phôi thai bắt đầu phát triển khiến cơ thể mẹ tăng nội tiết tố đột ngột, cao hơn mức bình thường nên mới xảy ra tình trạng ra huyết trắng nhiều, khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt.
Huyết trắng báo hiệu chuyển phôi thành công có màu trắng bình thường,, không có mùi hôi và chỉ xảy ra trong vòng vài ngày. Triệu chứng này thường xuất hiện ở ngày thứ sáu tính từ thời điểm thực hiện chuyển phôi và có kèm theo ngứa vùng kín.

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu chuyển phôi thành công khác mẹ nên biết như:
- Căng đau, tức vùng bụng dưới: Vùng bụng dưới bắt đầu to ra dù rất ít và kèm theo cảm giác nặng, đau tức. Đây là dấu hiệu điển hình nhất cho thấy phôi đã làm tổ thành công, mẹ cần chú ý hơn trong việc đi lại, ăn uống và sinh hoạt vợ chồng.
- Căng tức ngực: Khi chuyển phôi thành công, ngực của người phụ nữ sẽ khá căng tức khó chịu, quan sát kỹ có thể thấy ngực lớn hơn một chút, nhưng hai bên to không đồng đều, bên phải lớn hơn bên trái hoặc ngược lại.
- Tăng thân nhiệt: Đây là dấu hiệu mang thai phổ biến ở hầu hết chị em phụ nữ và là dấu hiệu chuyển phôi thành công. Nguyên nhân là do cơ thể tự điều tiết quá trình trao đổi chất trong cơ thể để phục vụ quá trình nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh đó, khi chuyển phôi thành công nồng độ hormone tăng lên đột ngột khiến thân nhiệt người mẹ tăng lên theo.
- Mệt mỏi: Sự hoạt động mạnh mẽ của cơ thể để tăng cường trao đổi chất khiến mẹ dễ mệt mỏi hơn so với khi chưa mang thai.
- Xuất huyết âm đạo: Quá trình chuyển phôi thành công là tiền đề để phôi thai di chuyển và làm tổ trong tử cung. Hiện tượng này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc tử cung và rỉ máu. Đây chính là lý do vì sao mẹ sẽ thấy ở đáy quần lót xuất hiện 1 vài giọt máu nhạt màu, kéo dài trong vòng 1 – 2 ngày đầu.
Dấu hiệu chuyển phôi không thành công
Nếu mẹ ra nhiều huyết trắng kèm theo một chút máu ở âm đạo, rong kinh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Đồng thời, khi đo nồng độ beta hCG không đạt mức (thường là cao hơn 25 mlU/ml là có thai) sau 2 tuần chứng tỏ quá trình chuyển phôi đã thất bại. Hãy thông báo cho bác sĩ để được theo dõi và lên kế hoạch cho lần chuyển phôi tiếp theo.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến quá trình chuyển phôi không thành công như:
- Độ tuổi của người phụ nữ, càng lớn tuổi thì tỷ lệ thành công càng thấp. Phụ nữ từ 20 – 30 tuổi tỷ lệ chuyển phôi thành công là 45%, trên 40 thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 15%.
- Chất lượng trứng và tinh trùng yếu do sức khỏe của bố mẹ không tốt. Điều này khiến phôi thai được tạo ra không đủ khỏe mạnh và ổn định để phát triển trong tử cung.
- Không đủ các điều kiện tiếp nhận phôi như lớp niêm mạc tử cung chưa đủ độ dày, độ nhầy để phôi bám vào và làm tổ.
- Do chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tâm lý của người mẹ. Cụ thể càng căng thẳng càng khiến nội tiết tố mất cân bằng khiến khả năng thụ thai giảm. Ngoài ra, mẹ ăn uống thiếu chất, nghỉ ngơi ít sẽ không đủ dưỡng chất để phôi phát triển thành thai nhi.

Sau khi chuyển phôi thất bại, chị em đừng quá thất vọng, hãy tập trung vào cải thiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động rèn luyện sức khỏe để cơ thể phục hồi, chuẩn bị tốt hơn cho chu kỳ chuyển phôi tiếp theo.
Tóm lại, hầu hết các trường hợp ra huyết trắng sau khi chuyển phôi là dấu hiệu chuyển phôi thành công. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ dấu hiệu chuyển phôi thất bại. Do đó, hãy theo dõi kỹ hơn về các đặc điểm của huyết trắng để có những nhận định chính xác hơn. Sau đó thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn.
Cần làm gì để tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công?
Để tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công trong lần đầu tiên hoặc sau khi chuyển phôi thất bại, người phụ nữ cần chú ý thực hiện các điều sau đây:
Về chế độ ăn uống
Để có đủ dưỡng chất nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng cho quá trình thực hiện chuyển phôi, chị em cần chú ý kỹ về chế độ ăn uống.
Trước khi chuyển phôi
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như: các loại cá béo giàu omega-3, trứng, hải sản, các loại đậu, hạt, khoai lang, bắp, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, rau bina, hành tây, tỏi, củ cải đường, các loại rau có lá màu xanh đậm, sữa tươi, sữa chua, sữa ong chúa, các loại trái cây như cam, chuối, táo, bưởi, dâu, dưa hấu…
- Tránh ăn các loại thực ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp chứa chất bảo quản, tuyệt đối không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê…
- Bổ sung thêm vitamin E trong hoặc ngay sau bữa sáng.

Sau khi chuyển phôi
- Không ăn các loại thực phẩm khó tiêu vì sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng bám đậu vào thành tử cung của phôi thai.
- Tránh ăn đu đủ, rau ngót, không uống nước dừa tươi để hạn chế nguy cơ bị tuột phôi khi bước vào giai đoạn phân chia tế bào.
- Xây dựng thực đơn ăn uống đủ chất, ăn đủ bữa, chỉ cần đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất và yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể tăng cường thêm các bữa nhẹ bằng các loại ngũ cốc, bánh quy, trái cây, hạt sấy khô… để bổ sung dưỡng chất cho thai phát triển.
- Uống nhiều nước ít nhất 1.5 – 2 lít nước/ ngày.
Về chế độ sinh hoạt
Ngoài dinh dưỡng, chị em cũng cần tạo các thói quen nếp sống sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe tốt, sẵn sàng cho quá trình trước và sau khi chuyển phôi.
Trước khi chuyển phôi
- Tập luyện đều đặn mỗi ngày bằng những bộ môn nhẹ nhàng, vừa sức như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội… Cố gắng dành ra ít nhất từ 30 – 60 phút/ ngày để tập sẽ giúp tăng sức đề kháng, cơ thể khỏe mạnh và khí huyết lưu thông trơn tru.
- Tránh stress, căng thẳng, duy trì tâm lý lạc quan, thoải mái.
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, nếu khó ngủ có thể ngâm chân bằng nước muối gừng hoặc dùng tinh dầu dược liệu.
- Tạo thói quen uống nước lọc hoặc tốt nhất là nước ấm, không nên uống nước đá lạnh.
- Đừng quên uống thuốc và đặt thuốc đúng giờ để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển phôi.

Sau khi chuyển phôi
- Trong vòng 10 ngày đầu sau khi chuyển phôi cần hạn chế đi lại hoặc di chuyển nhẹ nhàng, không được gồng phần bụng. Có thể đi dạo vài vòng để máu huyết lưu thông, tốt nhất nên thực hiện sau mỗi bữa ăn.
- Nếu xuất hiện tình trạng táo bón hay tiêu chảy, tuyệt đối không được rặn vì rất dễ làm tuột phôi.
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên căng thẳng.
- Theo dõi kỹ các dấu hiệu của cơ thể, nếu có bất thường cần thông báo ngay cho bác sỉ để được thăm khám và chỉ dẫn bước tiếp theo.
Trên đây là những thông tin cơ bản về dấu hiệu “ra huyết trắng sau chuyển phôi” và cách nhận biết dấu hiệu chuyển phôi thành công. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho chị em có thêm kinh nghiệm cho hành trình tìm kiếm con yêu. Thông tin chỉ mang tính tham khảo, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này, vui lòng trao đổi trực tiếp với chuyên gia để được giải đáp chi tiết.